Mức âm này theo bà Nguyễn Hương Giang - chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, là không nhiều.
Nhưng đây là tín hiệu khác thường bởi những năm gần đây tỉnh Bắc Ninh - thủ phủ công nghiệp miền Bắc - luôn giữ đà tăng trưởng dương.
Cụ thể, tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2017 đạt 19,12%, năm 2018 đạt 10,6%, năm 2019 đạt 1,1%, năm 2020 đạt 1,36%, năm 2021 đạt 6,9%, năm 2022 đạt 7,39%.
Trước đó, hồi đầu năm nay tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên địa bàn năm 2023 đạt 6,5-7% so với cùng kỳ năm 2022.
Một đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh năm nay âm là do xuất khẩu của Samsung giảm sâu. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh rơi vào tăng trưởng âm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, với xu hướng hiện nay sẽ có 5-6 tỉnh tăng trưởng âm trong năm nay.
Bên cạnh các tỉnh có tăng trưởng kinh tế âm, vẫn có một vài địa phương có tăng trưởng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận trong 10 tháng của năm nay, xuất khẩu sản phẩm điện thoại và linh kiện (phần lớn do Samsung xuất khẩu) đạt khoảng 44,02 tỉ USD, bằng 87,4% cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2023 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ước đạt 70 triệu đồng/người, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 65,7 ngàn tỉ đồng, thu hút mới vốn FDI đạt 1,4 tỉ USD, các chỉ tiêu này đều vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại tỉnh Bắc Ninh thừa nhận có nhiều chỉ tiêu khó đạt được, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 73,6 tỉ USD, trong khi mục tiêu 93,2 tỉ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm nay ước đạt 40,3 tỉ USD, trong khi mục tiêu 50,8 tỉ USD.
Tương tự, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 27.966 tỉ đồng, trong khi mục tiêu 31.630 tỉ đồng.
Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị của Bắc Ninh năm 2023 khoảng 2,28%, cao hơn kế hoạch 0,6%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng trưởng âm của Bắc Ninh trong năm 2023 được UBND tỉnh chỉ ra là do tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo.
Ngoài ra, kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài; thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp điện tử gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cho rằng công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, chất lượng thấp.
Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, giải quyết kéo dài thời gian, thiếu chủ động trong tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và các biện pháp, giải pháp có tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.