Briana Hampton, học sinh lớp 12 trường trung học San Gabriel, quyết tâm đỗ đại học để trở thành nhân viên xã hội hoặc bác sĩ tâm lý. Thế nhưng, em lo mình sẽ trượt môn đại số nâng cao.
Trước đó, em đã chọn lớp khoa học dữ liệu cơ bản thay cho môn này để đáp ứng yêu cầu về toán của Đại học California (UC). Briana thích viết code, làm khảo sát và phân tích dữ liệu về các chủ đề gần gũi như thời gian ngủ, mức độ căng thẳng hay mức tiêu thụ đồ ăn nhẹ. Điểm trung bình của Briana cũng tăng lên B khi học môn khoa học dữ liệu, thay vì toàn D và F ở lớp toán năm lớp 9.
"Em luôn chật vật với môn Toán, nhưng em nghe nói khoa học dữ liệu là một lớp toán rất tốt, mới mẻ và dễ hơn đại số", Briana nói.
Tuy nhiên, tháng trước, UC thông báo môn khoa học dữ liệu của Briana không còn đáp ứng yêu cầu đầu vào của trường về toán nữa. Lý do là các lớp này không dạy đủ nội dung đại số nâng cao mà sinh viên cần biết khi vào trường.
Lớp khoa học dữ liệu ở trường trung học San Gabriel. Nguồn: LA Times
Năm 2013, Học khu Los Angeles (hệ thống trường công lớn nhất California) đề xuất mở khóa học về khoa học dữ liệu nhằm giúp học sinh có thêm lựa chọn học toán và được Đại học California đồng tình. Từ ít được chú ý, sau vài năm các trường đẩy mạnh dạy và học khoa học dữ liệu, khiến môn này trở thành một phần trong khung giảng dạy về Toán, được tiểu bang thông qua vào năm ngoái.
Đại học California đã tính gộp ba khóa học về khoa học dữ liệu là một môn toán cao cấp, thay thế cho đại số nâng cao. Thay đổi này cũng được hệ thống Đại học bang California (CSU) áp dụng. Còn hiện tại, cả hai đều yêu cầu học sinh học đủ các môn đại số, hình học và đại số nâng cao, hoặc các lớp toán tích hợp tương đương trong ba năm phổ thông (lớp 9-11).
Nhiều học sinh, giáo viên và chuyên gia phản đối việc này. Theo họ, khoa học dữ liệu mở ra con đường khác vào đại học dành cho những học sinh không theo đuổi các ngành chuyên sâu về giải tích và STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học).
Ở trường trung học San Gabriel, gần 100 học sinh đang học môn Khoa học dữ liệu. Cô Leah Ulloa Ruiz, giáo viên đứng lớp, cho biết nhiều học sinh không thích và không hiểu môn Toán, trong đó có Noah Minchaca và Valentina He. Valentina từng trượt môn đại số năm lớp 10 và phải học lại, Noah thì vẫn qua môn nhưng ngủ gục trong lớp phần lớn thời gian.
"Em chẳng hiểu gì. Em liên tục bị điểm D và tự hỏi mình có dốt không. Những phương trình đó chẳng để làm gì", Noah nói.
Trong khi đó, khoa học dữ liệu giúp các em tự tin và hiểu về tầm quan trọng của dữ liệu và kỹ năng thống kê. Thực tế, dù không học đại số nâng cao, Noah vẫn trúng tuyển ngành kiến trúc ở Đại học San Diego, còn Valentina sẽ học khóa điều dưỡng ở một trường nghề.
"Việc Đại học California không coi khoa học dữ liệu tương đương toán cao cấp khi tuyển sinh là sai. Tôi nghĩ đây là bước thụt lùi đáng tiếc. Học sinh có thể có sự nghiệp thành công mà không cần môn đại số hay toán tích hợp nâng cao", cô Leah Ulloa Ruiz nói.
Denise Jaramillo, giám đốc học khu Alhambra, có ý kiến tương tự, cho biết nhiều học sinh của bà trước đây học khoa học dữ liệu đang học rất tốt ở đại học. "Hạn chế lựa chọn của học sinh chưa bao giờ là biện pháp công bằng trong giáo dục", bà đánh giá.
Dù vậy, nhiều người đồng tình với Đại học California. Lý do là học sinh cần trang bị kiến thức về đại số nâng cao để sẵn sàng chuyển ngành khi có nhu cầu.
Theo Jennifer Chayes, hiệu trưởng trường Điện toán, Khoa học dữ liệu và Xã hội, Đại học UC Berkeley, hàng nghìn sinh viên thay đổi chuyên ngành khi vào trường. Nhiều người định học khoa học môi trường, y tế hay tư pháp hình sự, nhưng sau đó nhận ra mình có năng khiếu về khoa học dữ liệu hay các ngành STEM khác. Lúc này, họ cần kiến thức toán học.
"Mọi người đang so sánh giữa khoa học dữ liệu và đại số, nhưng như vậy chưa đúng. Thứ chúng tôi cần là khoa học dữ liệu sử dụng kiến thức đại số nâng cao", bà nói.
James Steintrager, chủ tịch hội đồng học thuật của Đại học California, cho biết trường vẫn tuyển các ứng viên từng học môn Khoa học dữ liệu. Tuy nhiên, nếu khóa học này không đủ nghiêm ngặt, sinh viên có thể bị hạn chế nếu chuyển ngành trong thời gian học đại học.
Năm ngoái, chưa đến 400 trên tổng số 250.000 người đăng ký vào Đại học California từng học môn Khoa học dữ liệu thay cho Đại số nâng cao.
Đại học California sẽ xem xét lại yêu cầu về kiến thức toán học mà sinh viên cần có khi vào trường và quyết định có thay đổi chính sách tuyển sinh hay không, vào tháng 5.