Chủ Nhật
,
Tháng 1
  • :
  • - VietNam (GMT+7)

Tập bay với 'đại bàng'

 
Tập bay với 'đại bàng'

Nhà máy 5.000 m2 của công ty cơ khí Huỳnh Đức tại TP Biên Hoà (Đồng Nai) nằm trên con đường nhỏ, không vỉa hè, nhà dân chen chúc xung quanh. Bề ngoài cơ sở này giống như một xưởng gia công cũ kỹ, lỗi thời. Nhưng bên trong, gần 180 công nhân và kỹ sư đang làm ra sản phẩm cơ khí chính xác cho các tập đoàn đa quốc gia vốn hoá đến hàng trăm tỷ USD. Đây là một trong những doanh nghiệp Việt đầu tiên được tập đoàn bán dẫn Mỹ chọn làm đối tác cung ứng khi mở nhà máy ở TP HCM.

Giám đốc nhà máy này là kỹ sư Phạm Ngọc Duy (35 tuổi), người khởi đầu sự nghiệp tại phòng nghiên cứu phát triển (R&D) của hãng sản xuất máy may Juki - doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) Nhật Bản đầu tiên vào Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM. Sau gần 3 năm làm việc ở cả Việt Nam và Nhật, anh rời tập đoàn, chuyển sang làm cho Huỳnh Đức - doanh nghiệp 100% nội địa.

Con đường sự nghiệp anh Duy đã đi cũng là lựa chọn của nhiều ông chủ, nhà quản lý: làm tại một tập đoàn đa quốc gia để tích lũy kinh nghiệm, rồi gia nhập doanh nghiệp nội địa, quay lại tham gia vào chuỗi cung ứng của FDI.

Kinh nghiệm tại tập đoàn FDI của giám đốc này đã giúp Huỳnh Đức - một công ty gia đình - chuyên nghiệp hoá quy trình làm việc, và giữ vững vị trí đối tác tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài liên tục 10 năm.

Theo dấu "đại bàng"

Trong một chuỗi sản xuất, các tập đoàn đa quốc gia quy mô hàng nghìn nhân viên như công ty đầu tiên anh Duy làm việc là phần đỉnh của kim tự tháp - nơi xuất xưởng sản phẩm cuối cùng cho thị trường. Còn công ty anh đang điều hành được xem như phần đế - các nhà cung cấp linh kiện, thiết bị đầu vào. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu phát triển công ty trở thành một chân đế không thể thiếu của chuỗi cung ứng FDI.

10 năm trước, để trở thành đối tác của tập đoàn bán dẫn Mỹ, công ty Huỳnh Đức phải trải qua 6 tháng đánh giá năng lực, chưa kể thời gian tiếp xúc ban đầu kéo dài hơn một năm.

"Hầu như không doanh nghiệp Việt nào có trình độ kỹ thuật, quản lý đáp ứng ngay mọi yêu cầu của các tập đoàn lớn nước ngoài. Quan trọng là cam kết sẵn sàng thay đổi để khắc phục điểm yếu", Giám đốc Duy nói. Thời điểm đó, công ty chỉ đạt 5-6 trên thang điểm 10 theo tiêu chí của đối tác. Để đồng hành cùng các tập đoàn FDI, doanh nghiệp phải sẵn sàng cho cuộc đầu tư dài hơi cả về con người và công nghệ.

Khởi đầu từ một xưởng cơ khí gia đình thành lập năm 1995, công ty Huỳnh Đức hơn hai thập kỷ đều nhập máy móc cũ "vừa đủ sử dụng". Nhưng 5 năm gần đây, doanh nghiệp chuyển hẳn sang đầu tư máy mới. "Tốn kém hơn nhiều, nhưng sản phẩm làm ra tốt hơn, khả năng cạnh tranh đương nhiên cao hơn", Giám đốc 8X nói.

Đổi lại, các đối tác FDI trở thành bảo chứng cho năng lực của doanh nghiệp nội địa như Huỳnh Đức. Từ 80% khách hàng ban đầu là các nhà máy Nhật Bản, rồi đến các tập đoàn Mỹ - châu Âu đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp bắt đầu có doanh thu 10% từ xuất khẩu trực tiếp thiết bị đi nước ngoài.

"Điều giá trị nhất không nằm ở tiền bạc, mà là cơ hội tiếp cận hệ thống quản lý, vận hành của các tập đoàn lớn nhất thế giới để học hỏi, nâng tầm doanh nghiệp của mình", anh Duy nói.




 

Doanh nghiệp nội địa bắt tay nhà đầu tư FDI "cộng sinh" cùng phát triển là mô hình phổ biến tại nhiều nước công nghiệp hóa mới nổi ở châu Á như Trung Quốc, Malaysia... Trong khi doanh nghiệp FDI hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước sở tại, công ty nội địa có môi trường để học hỏi từ những "người khổng lồ" và lớn lên.

Lý thuyết là vậy. Thực tế, số lượng doanh nghiệp Việt bắt tay được với khối FDI vẫn ít. Đơn cử, Việt Nam hầu như luôn xếp cuối về tỷ lệ nhà cung ứng nội địa được các nhà máy Nhật Bản lựa chọn, dù con số đã tăng thêm 80% trong hơn 10 năm qua, theo kết quả khảo sát thường niên của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).


Đó mới là chỉ số cải thiện về số lượng, chưa phải chiều sâu.

Huỳnh Đức thuộc nhóm ít doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn FDI công nghệ cao trong 35 năm qua. Nhưng sau 10 năm, doanh nghiệp này vẫn ở vai trò cung cấp các thiết bị gián tiếp như linh phụ kiện, khuôn, đồ gá... Hầu hết công ty nội chưa thể cung cấp các thiết bị trong dây chuyền cốt lõi của khách hàng.

Bay cùng "đại bàng" FDI đã giúp họ tiến một chặng dài, nhưng bức tường chắn giữa nền công nghiệp hỗ trợ trong nước và đỉnh tháp của chuỗi sản xuất vẫn còn đó.

Chưa thể cung ứng các thiết bị, linh kiện có giá trị gia tăng cao, ngành điện tử cũng như các lĩnh vực công nghiệp truyền thống của Việt Nam gồm dệt may, da giày chỉ tạo ra lợi nhuận 5-10%, theo nghiên cứu năm 2020 của PGS.TS Trần Thị Bích Ngọc (Viện Kinh tế Quản lý - Đại học Bách khoa Hà Nội). Nghĩa là, mặc dù khối lượng xuất khẩu rất lớn, lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu là tương đối nhỏ.

Hai đường thẳng song song

Đi con đường tương tự anh Duy, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hùng cũng chuyển sang dẫn dắt Công ty Nhựa An Phú Việt sau 15 năm làm việc cho một tập đoàn Nhật Bản. Năm 2011, ông nghỉ, mở công ty riêng sản xuất linh kiện nhựa tại Hưng Yên. Các khách hàng đầu tiên chính là doanh nghiệp FDI Nhật.

Bước ngoặt đến vào năm 2015, khi nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam lúc đó là Samsung kết hợp Bộ Công Thương mở rộng tìm kiếm nhà cung cấp trong nước. Mất nửa năm tham gia chương trình đánh giá, công ty ông được Samsung chọn làm nhà cung ứng cấp hai, làm việc thông qua đối tác cấp một là doanh nghiệp Hàn Quốc.

An Phú Việt liên tục nâng cấp để theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ của nhà sản xuất điện thoại thông minh số một toàn cầu. Nhưng CEO này sớm nhận ra sự lẻ loi của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng. Nhiều năm qua, ông ấp ủ tham vọng liên kết cùng các doanh nghiệp Việt khác để cung cấp cả một cụm linh kiện hoàn chỉnh cho khách hàng, thay vì từng phần đơn lẻ như hiện tại.

"Nếu mãi gia công từng chi tiết rời rạc sẽ rất khó có đột phá. Còn cung ứng được cả một cụm, chúng ta vừa có thêm lợi nhuận, vừa tăng được vị thế của mình với các tập đoàn FDI", ông Hùng nói. Đến giờ, đây vẫn là sân chơi của các nhà cung cấp nước ngoài.

Đơn cử như Samsung có 23 đối tác chủ chốt đang mở nhà máy tại Việt Nam, không tính các công ty cùng tập đoàn. Những doanh nghiệp này cung cấp các bộ mô-đun hoàn chỉnh như camera, củ sạc, loa, bảng mạch, tai nghe cho hãng điện thoại Hàn Quốc. "Tuổi" bình quân của các công ty này là 32 năm. 80% trong số đó niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc với vốn hoá hầu hết trên 100 triệu USD, theo thống kê của VnExpress vào cuối tháng 10.


Đó là chân dung của đối thủ cạnh tranh mà những doanh nghiệp nội như An Phú Việt phải so kè nếu muốn hiện thực hóa tham vọng của mình.

Yếu hơn về vốn lẫn kinh nghiệm, muốn thắng trên sân nhà, các nhà cung cấp Việt phải thi đấu ngang ngửa với những đối tác lâu năm của tập đoàn FDI trên ít nhất ba mặt trận: chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng. Nhưng ngay từ nguyên vật liệu đầu vào như nhựa kỹ thuật, An Phú Việt đã mất lợi thế cạnh tranh về giá khi phải nhập khẩu vì không thể tìm được nguồn cung trong nước.

"Cùng một chất lượng, khách hàng có thể chọn doanh nghiệp Việt nếu giá cao hơn vài phần trăm. Nhưng nếu mức chênh lệch hai chữ số, chắc chắn họ sẽ mua từ nước ngoài", ông Hùng nói.

Tham vọng của CEO An Phú Việt đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của cả một nền công nghiệp - từ vật liệu, cơ khí, chế tạo máy đến điện - điện tử. Nhưng sau nhiều thập kỷ theo dấu "đại bàng", đây vẫn chỉ là mơ ước.

Các nhà cung cấp trong nước chưa đến được cái đích cuối cùng: trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của các tập đoàn thế giới.

Những đồng tiền FDI không phải chìa khoá vạn năng để mở cánh cửa cho Việt Nam tiến lên bậc cao hơn trong nấc thang giá trị, như thực tế hai thập kỷ qua, theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

"Thu hút đầu tư bên ngoài và nuôi dưỡng doanh nghiệp bên trong phát triển như hai cánh, phải phối hợp cùng nhau nhịp nhàng thì nền kinh tế mới bay lên", TS Cung nêu.

35 năm qua, Việt Nam làm tốt việc thu hút đầu tư từ bên ngoài, nhưng vẫn chưa giải được bài toán nâng cao nội lực của doanh nghiệp nội địa.

"Thực tế này bộc lộ nguy cơ bất hợp lý: đầu tư nước ngoài càng nhiều, công nghiệp trong nước lại càng teo tóp", ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, đưa ra cảnh báo.

Theo ông, nguyên tắc của nhà đầu tư là chạy theo lợi nhuận tối đa. Nếu đã có sẵn linh kiện, phụ tùng tốt hơn, rẻ hơn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, tất nhiên họ sẽ không chọn doanh nghiệp Việt. Với nhóm ngành máy móc, thiết bị điện - điện tử, tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tụt lại so với các quốc gia lân cận như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Điều này đồng nghĩa, Việt Nam ngày càng lún sâu vào tình trạng phụ thuộc nhập khẩu, thiết bị linh kiện để lắp ráp sản phẩm đầu cuối.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), 98% doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ, lại thiếu liên kết. Nếu nhà nước không có chính sách chủ động để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của FDI, mà phó mặc cho nhà đầu tư, thì Việt Nam sẽ mãi đứng ngoài sân chơi của các tập đoàn toàn cầu.

"Nếu không tìm cách đảm nhận được những công đoạn phức tạp, Việt Nam không thể có lợi thế bền vững dù thu hút được bao nhiêu nhà đầu tư", ông Việt đánh giá.

Doanh nghiệp trong nước dần rơi vào vòng luẩn quẩn "con gà - quả trứng". Muốn có cơ hội sản xuất những đầu vào quan trọng của các tập đoàn FDI, điều kiện cần là phải chứng minh được năng lực. Nhưng để làm được điều đó, đầu tiên là phải có cơ hội.

Trong khi doanh nghiệp Việt thiếu điều kiện để sản xuất cho FDI, chính các nhà đầu tư nước ngoài cũng lúng túng không tìm được doanh nghiệp nội địa đáp ứng yêu cầu để làm đối tác.

Thuộc nhóm "đại bàng" đầu tiên đến Việt Nam 35 năm trước, tập đoàn Juki khởi đầu với nhà máy thử nghiệm sản xuất linh kiện, rồi mở rộng sang lắp ráp, đúc chính xác và giờ đã có 4 nhà máy ở Tân Thuận. Không chỉ sản xuất, gia công, Juki còn thành lập bộ phận R&D tại TP HCM chuyên về tự động hoá.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam kiêm Giám đốc bộ phận kinh doanh khu vực châu Á Sugihara Yoji cho biết tập đoàn vừa quyết định chuyển dần các nhà máy ở Trung Quốc sang Việt Nam với tầm nhìn về một cứ điểm sản xuất lâu dài. Nhưng không chỉ phát triển cơ sở vật chất, Juki cần thêm các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung cấp các linh kiện quan trọng như điện tử, motor, bo mạch để thực hiện chiến lược trên.

Đó lại chính là điểm nghẽn lớn nhất.

"Chính quyền chưa có chính sách khuyến khích để các công ty nước ngoài tăng đặt hàng tại chỗ", ông Sugihara nêu quan điểm.

Thiếu sự điều phối từ nhà nước, nhà đầu tư FDI và doanh nghiệp nội địa như "hai đường thẳng song song".

Ưu đãi bậc thang

Để phá vỡ thế bế tắc kể trên, ông Phạm Chánh Trực cho rằng nhà nước đóng vai trò then chốt trong điều hướng để "hai đường thẳng" này gặp nhau.

"Chính nhà nước phải tạo ra thị trường bằng cách đặt hàng doanh nghiệp. Qua thời gian hoàn thiện dần, khi đã chứng minh được chất lượng sản phẩm thực tế, các công ty trong nước sẽ thuyết phục được tập đoàn nước ngoài", ông Trực đề xuất.

Công nghiệp hỗ trợ trong nước không thể tự cung cấp mọi phụ tùng, thiết bị sản xuất cho các tập đoàn FDI, nên phải xác định đúng sản phẩm có khả năng cạnh tranh để đầu tư trọng điểm. Ông lấy ví dụ, Việt Nam có sẵn thế mạnh về diện tích trồng cao su, thì cần tập trung phát triển, đầu tư cho các ngành công nghiệp vật liệu, nhựa liên quan.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên cấp cao Trường chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng để tạo thị trường cho ngành công nghiệp nội địa, nhà nước cần thay đổi chính sách ưu đãi với nhà đầu tư FDI.

"Các nhà đầu tư FDI sẽ không bao giờ có động lực chuyển giao công nghệ cho chúng ta nếu không có chính sách khuyến khích cụ thể", ông Tuấn nói. Gần 5 năm qua, có 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI, nhưng đều là hoạt động nội bộ giữa công ty mẹ và con, không có sự tham gia của khối trong nước, theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo ông, thay vì đặt ra quyền lợi dễ dàng như hiện nay - cứ đầu tư là được miễn giảm thuế, Chính phủ nên thiết kế ưu đãi theo biểu bậc thang. Nhà đầu tư có tỷ lệ sử dụng nhà cung cấp trong nước càng cao, sẽ nhận được ưu đãi càng nhiều. Phương pháp này có thể áp dụng tương tự cho tỷ lệ nhân sự quản lý người Việt, số giờ đào tạo, hay số hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.

Chuyên gia này cho rằng việc thiết kế lại chính sách ưu đãi với nhà đầu tư FDI đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực từ năm tới. Khi đó, các quốc gia đều phải áp dụng một mức sàn thuế cho các nhà đầu tư lớn. Tức là, kỷ nguyên thu hút nhà đầu tư FDI bằng ưu đãi thuế phí chạm đáy sẽ chấm dứt.

Để chuẩn bị, Chính phủ đang soạn dự thảo nghị quyết về việc thí điểm hỗ trợ nhà đầu tư công nghệ cao. Theo đó, dự án FDI có kế hoạch sản xuất cùng với đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, sẽ được nhận ưu đãi bằng hình thức cấn trừ thuế hoặc hỗ trợ ngân sách trực tiếp.



 

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ được xác lập đầu tháng 9 là thời cơ để Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu, đặc biệt là ngành bán dẫn. Đón làn sóng FDI thứ tư này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hai hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư FDI trong 10 tháng, đề nghị nâng cao tỷ lệ nội địa hoá và phát triển chuỗi cung ứng có sự tham gia của doanh nghiệp Việt.

Trước đó, năm 2022, Thủ tướng đã điều chỉnh đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam ban hành ba năm trước, bổ sung mục tiêu đến 2025, số dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng 10% mỗi năm, và đến 2030 là 15%.

Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp Việt như Huỳnh Đức. Từ vị trí nhà cung cấp các thiết bị cơ khí hỗ trợ sản xuất (gián tiếp) cho các tập đoàn bán dẫn, công ty hy vọng sau 5 năm nữa, doanh nghiệp sẽ bắt đầu cung ứng được các thiết bị trong dây chuyền trực tiếp của khách hàng, dù thừa nhận đây là mục tiêu vô cùng thách thức.

Chỉ vào hai chiếc khuôn đang gia công, anh Duy giải thích sự khác biệt không thể phân biệt bằng mắt thường. Để giảm được một vài phần nghìn mm sai số, doanh nghiệp có thể phải đầu tư cả trăm nghìn USD. Trong khi với những ngành công nghệ cao như chip, độ chính xác yêu cầu đơn vị nm - một phần triệu mm.

Nhằm chinh phục mục tiêu này, công ty lập nhóm 6 kỹ sư phụ trách R&D, tìm hiểu các công nghệ mới. Dù vậy, chế tạo sản phẩm chỉ là bước khởi đầu. Cùng một linh kiện, công ty Việt Nam hiện có thể đáp ứng chất lượng, nhưng giá thành chắc chắn khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại đã có kinh nghiệm hàng chục năm. Muốn so kè, doanh nghiệp Việt cần có đơn đặt hàng lâu dài từ các "đại bàng" FDI - điều rất cần đến sự điều phối của nhà nước.

"Không phải cứ đầu tư thì sẽ thành công, nhưng không gieo hạt chắc chắn không bao giờ có ngày hái quả", doanh nhân trẻ tự đúc kết.

* Đồ hoạ trong bài được vẽ bởi ứng dụng Generative AI của Adobe Firefly

                                                                            
 (theo vnexpress)

Các tin tức khác

Rượt đuổi nghẹt thở, M.U khiến Liverpool sa lầy tại Old Trafford Samsung giành lại ngôi đầu smartphone từ Apple Thắng giòn giã Brighton, Arsenal gửi lời tuyên chiến đến Hùm xám Vàng nhẫn lập kỷ lục hơn 73 triệu đồng Mỹ tiếp tục gây sức ép lên ASML Máy tính lượng tử tiến thêm một bước ra đời thực

Sản phẩm mới

Tin mới

Đối tác

Thống kê web

Trực tuyến

154

Lượt truy cập

761,063

                                         
CÔNG TY CỔ PHẦN TỰ ĐỘNG HÓA VÀ CÔNG NGHỆ JVN
Địa chỉ: Lô B2/649, Phạm Văn Đồng, P. Cổ Nhuế 1, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243 748 1725             Email: info@jvnjsc.vn

JVN., JSC