Trong khi các công ty chip lạc quan trở lại nhờ cơn sốt AI, Intel lại bị đánh giá quá chậm chân trong cuộc đua.
Theo báo cáo tài chính vừa được Intel công bố, doanh thu ba tháng cuối năm 2023 của hãng đạt 15,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Nhưng nếu tính cả năm, doanh thu giảm 14%,xuống còn 542, tỷ USD.
Hãng dự báo trong ba tháng đầu 2024, công ty sẽ không thể chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội do tính thời vụ đã qua, nhu cầu một số chip đang giảm. Intel cho rằng doanh thu quý tiếp theo có thể thấp hơn ước tính của thị trường khoảng 2 tỷ USD. Báo cáo tài chính đã khiến cổ phiếu Intel giảm 10% trong phiên giao dịch 26/1.
Theo Reuters, doanh thu của Intel ảm đạm trong bối cảnh công ty cố gắng bắt kịp cuộc đua AI. Các nhà phân tích nhận thấy trong khi nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chip đang lạc quan, Intel lại trở thành ngoại lệ vì lo ngại đã quá muộn để gia nhập cuộc cạnh tranh AI.
Hans Mosesmann, nhà phân tích tại Rosenblatt Securities, nói: "AI dường như xuất hiện ở khắp nơi trừ Intel". Còn Russ Mould, Giám đốc đầu tư của AJ Bell, đánh giá: "Intel có nguy cơ bị bỏ lại phía sau so với các đối thủ Nvidia và AMD trong lĩnh vực AI". Trong khi đó, Thomas Monteiro, nhà phân tích cấp cao của Investing.com, cho biết: "Intel vẫn có thể giành lại chiến thắng nếu đặt cược về AI trong lộ trình dài".
Theo Nikkei, Intel đang tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh sản xuất chip để phục vụ cơn sốt AI. Hôm 15/1, công ty tuyên bố hợp tác với nhà sản xuất bán dẫn United Microelectronics Corp của Đài Loan để phát triển công nghệ 12 nanomet. Nhà máy mới của Intel tại bang Arizona (Mỹ) dự tính đi vào hoạt động từ 2027.
CEO Intel Pat Gelsinger cho biết: "Tham vọng của chúng tôi sẽ không thành hiện thực chỉ sau một đêm, nhưng Intel đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong năm 2023 và hướng đến mục tiêu trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất nhì vào 2030".
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá đây là cuộc chiến khó khăn với Intel. Trong nhiều năm, công ty dành sự ưu tiên cho các bộ vi xử lý máy tính và máy chủ. Hãng chỉ bắt đầu hoạt động kinh doanh đúc chip vài năm trở lại đây. Thống kê của Counterpoint cho thấy TSMC của Đài Loan vẫn chiếm 60% thị phần sản xuất bán dẫn, trong khi Samsung đứng thứ hai với 13%, UMC ở vị trí thứ 3 với 6%.
Vivek Arya, nhà phân tích chất bán dẫn tại Bank of America, cho biết: "Chúng tôi tin TSMC sẽ vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt sau khi ổn định về năng suất, quy mô. Trong khi Intel khó có thể giành được thị phần xưởng đúc ở quy mô một con số. Phần lớn đối tác đang phụ thuộc quá nhiều vào TSMC và Samsung".