Việc tái chế kim loại từ rác thải điện tử vốn tốn kém và phải thực hiện ở quy mô lớn, đòi hỏi lượng điện năng khổng lồ và máy móc đắt tiền để đạt hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nhận ra whey protein, có nhiều trong thịt, cá, trứng và nhất là sữa, có khả năng thu hồi vàng từ rác thải điện tử. Phát hiện này được đánh giá giúp quá trình tái chế hiệu quả hơn, trong khi chi phí tái chế thấp hơn.
Nhà nghiên cứu Raffaele Mezzenga của Viện khoa học và công nghệ y tế (Mỹ) đã biến tính whey protein trong dung dịch axit ở nhiệt độ cao để chất này chuyển sang dạng gel, sau đó làm khô để tạo thành miếng mút.
Minh họa quy trình tách vàng từ whey protein. Ảnh: Wiley Online Library
Quá trình tách kim loại sử dụng miếng mút khá đơn giản. Đầu tiên, rác thải điện tử được hòa tan trong bể axit để ion hóa kim loại, sau đó đặt miếng mút vào. Khi đó, kim loại được ion hóa sẽ bám vào mút, với nguyên lý như nam châm hút kim loại. Hầu hết ion kim loại đều có thể bám vào miếng mút nhưng ion vàng là hiệu quả nhất.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu nung nóng để tách vàng khỏi miếng mút. Trong thử nghiệm với 20 bo mạch chủ máy tính, nhóm tách được 450 mg kim loại. Sau khi nung chảy đã thu được khối vàng với hàm lượng vàng 91% và 9% đồng.
Công nghệ mới được đánh giá sẽ thay đổi hoàn toàn cách xử lý rác thải máy tính. Nó có tiềm năng lớn vì chi phí mua linh kiện và chi phí năng lượng cho toàn bộ quá trình thấp hơn khoảng 50 lần so với giá trị vàng có thể thu được. Nếu áp dụng ở quy mô lớn, giải pháp sẽ giảm đáng kể việc tiêu hao năng lượng của các nhà máy tái chế. Các nhà nghiên cứu đang hoàn thiện quy trình để bán cho công ty tái chế rác thải điện tử.
Hàng nghìn tấn rác điện tử đang được tái chế tại Ai Cập. Ảnh: Reuters
Hiện các công ty tái chế có thể kiếm được 85.000 USD mỗi ngày bằng việc thu thập vàng và đồng từ rác thải điện tử.
Từ nhiều thập kỷ trước, thế giới chứng kiến cuộc đua "đối mới hay chết" ở lĩnh vực công nghệ. Kết quả là một danh sách dài sản phẩm hào nhoáng ra đời. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới quá nhanh khiến thiết bị công nghệ liên tục được thay thế, sinh ra hàng đống rác thải điện tử. "Tốc độ phát triển quá nhanh, làm cho sự lỗi thời của các sản phẩm công nghệ diễn ra trong thời gian ngắn. Mọi người đổi máy tính, điện thoại sau mỗi 3-4 năm", Jim Puckett, CEO Basel Action Network, một tổ chức giám sát rác thải điện tử có trụ sở tại Seattle, nhận xét. "Một ngọn núi rác đang không ngừng cao lên".