Tòa án Mỹ tuyên bố Fujian Jinhua không phạm tội, dù hãng này từng bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của Micron Technology.
Theo phán quyết được đưa ra ngày 27/2 tại San Francisco, thẩm phán Maxine M. Chesney tuyên bố Fujian Jinhua không vi phạm đối với các cáo buộc trước đó về gián điệp kinh tế.
Theo Chesney, các công tố viên Mỹ không chứng minh được Fujian Jinhua đã chiếm đoạt tài liệu độc quyền và bí mật thương mại từ Micron Technology - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ. Trước đó, công ty Trung Quốc được cho là đã đánh cắp và chuyển các bí mật thương mại qua United Microelectronics (UMC) của Đài Loan, sau đó đưa sang Fujian Jinhua.
Các bên liên quan chưa đưa ra bình luận.
Phác thảo tổ hợp nhà máy chế tạo chip bộ nhớ trị giá 6 tỷ USD của Phúc Kiến Kim Hoa tại thành phố Tấn Giang, phía đông nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Handout
Theo SMCP, phán quyết mới được xem là bước lùi của Washington trong nỗ lực ngăn chặn công nghệ Mỹ bị tuồn vào Trung Quốc. "Phán quyết này rất có ý nghĩa. Mỹ từng thắng nhiều vụ kiện tương tự nhưng chủ yếu là đối với cá nhân. Mỹ hiếm khi truy tố các công ty Trung Quốc tại tòa án Mỹ", trang này bình luận.
Được thành lập năm 2016 ở Phúc Kiến, Fujian Jinhua nhận được khoản đầu tư ba tỷ nhân dân tệ (431 triệu USD) từ chính phủ Trung Quốc để xây dựng dây chuyền sản xuất với sự hỗ trợ công nghệ từ UMC. Micron Technology nhiều lần cáo buộc Fujian Jinhua và UMC ăn cắp thiết kế chip của mình. Ba công ty theo đuổi các vụ kiện ở cả Mỹ và Trung Quốc.
Năm 2017, Micron kiện Fujian Jinhua và UMC với lý do đánh cắp bí mật thương mại. Đầu 2018, Fujian Jinhua và UMC kiện ngược Micron, tố công ty chip Mỹ vi phạm sáng chế về module DRAM.
Tháng 7/2018, tòa án Phúc Kiến ra phán quyết yêu cầu Micron ngừng bán 26 sản phẩm bán dẫn gồm DRAM và flash NAND tại Trung Quốc và không được phép kháng cáo. Cuối năm đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo Fujian Jinhua sẽ không thể mua linh kiện từ công ty Mỹ, trừ khi có giấy phép đặc biệt vì "đặt ra nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích an ninh Mỹ".
Đến đầu 2020, Micron có chiến thắng quan trọng trước UMC khi công ty Đài Loan thừa nhận đánh cắp bí mật thương mại của Micron, đồng thời nộp phạt 60 triệu USD.
Tuy nhiên gần đây, giữa Micron và Fujian Jinhua có dấu hiệu "làm hòa". Tháng 12 năm ngoái, cả hai đồng ý hủy bỏ khiếu nại chống lại nhau. Thỏa thuận được đưa ra sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm Micron sử dụng "cơ sở hạ tầng quan trọng" vì lo ngại về an ninh mạng.